XUÂN AN LÀNH - KenvinNoel đã bước qua một bước nhưng cái lạnh chớm đông vẫn còn vương vấn đâu đây. Hôm nay tôi về thăm lại nhà sau hơn 2 tháng chúi đầu vào đống công việc, sách vở. Một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để thấy những thay đổi. Thay đổi từ cảnh vật, con người và trong cả không khí miền quê. Cái lạnh se sắt dường như vẫn còn luyến tiếc chút đông tàn tạ chưa chịu rời xa và con người cũng vậy, vẫn còn giấu mình sau những chiếc áo khoắc ấm áp. Cây cối ven đường cũng đang thi nhau thay đổi từng ngày. Những rừng cao su ngút ngàn bắt đầu khoác lên mình một chiếc áo vàng pha chút sắc xanh cằn cỗi xơ xác. Vươn khỏi sắc nền đạm bạc đó là những cành nhỏ khẳng khiu vút cao như mong chờ đón từng tia nắng mai mỗi ngày để từ đó sẽ lúa ra những mầm xanh non mới, mượt mà đầy sức sống. Cuộc sống náo nhiệt nơi phố thị đã cuốn ta vào vòng xoay bất tận đó để có một lúc chợt nhận ra mình thèm lắm một cảm giác bình yên, trong lành. Vậy là chủ nhật khoác ba lô lên vai về nhà, dù rằng chỉ ở được đúng một đêm.
Chạy ra khỏi phạm vi Sài Gòn, đã thấy có một sự thay đổi rất lớn trong bầu không khí, nó dịu mát hơn, trong lành hơn. Một chút thay đổi đó cũng làm cho con người ta cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Đầu óc bắt đầu quay vòng trong những câu hỏi không lời đáp, quay vòng theo những thước phim kỷ niệm một thời thơ dại, khó nghèo.
Còn nhớ tết thưở nào, cái tết của một thời thiếu thốn nên cái gì cũng thèm. Con nhớ có lần đi chợ với mẹ, thấy cái gì cũng đòi mua vì đẹp quá, ngon quá. Nhưng mẹ chỉ ậm ừ rồi dắt tay con đi nhanh qua nhưng con nào có hiểu gì, lại càng phụng phịu hơn để bây giờ nghĩ lại thấy xót xa, thương Mẹ quá! Năm nào cũng vậy, mẹ đi chợ mua đủ thứ đồ đạc dùng trong nhà và ít đậu nếp để làm bánh. Nhiều vì với con ngày đó chỉ cần dăm ba bịch bánh là nhiều lắm rồi. Và đặc biệt mẹ luôn làm bánh mật, một thứ bánh tựa như bánh ít nhưng ngọt hơn. Vỏ bánh được làm từ bột nếp nhào với đường còn nhân bánh được làm bằng đậu xanh trộn dừa nạo sợi và đường cát trắng cộng thêm chút dầu chuối, chỉ cần đi ngang qua thôi đã nghe mùi thơm lừng của đường, của đậu.
Năm nào cũng vậy, cứ tối 27, 28 là cả nhà quây quần làm bánh bên ngọn đèn dầu leo lét, gió từng cơn rít qua vách liếp làm bằng nứa mát lạnh. Trên mái tranh lâu lâu chuột lại chạy lạo xạo, rúc rích kêu như thể chúng cũng đang đón chào một năm mới cùng con người. Nói là cùng làm bánh chứ toàn tay mẹ làm thôi, con chỉ biết nặn mấy viên bột tròn tròn rồi cán ra cho dẹp nhưng mà nặn hoài vẫn méo xẹo, chỗ mỏng chỗ dầy, mẹ cứ phải nặn lại. Con còn nhớ có một lần nhà mình làm bánh trễ quá, nên đến 10h rồi mà vẫn chưa xong. Anh em con buồn ngủ thiếp đi lúc nào không hay, mẹ vẫn miệt mài ngồi làm. Ba ngồi bên cạnh lâu lâu lại lay anh em con dậy cho vui, vừa lay vừa giỗ giành “dậy đi, Ba đút nhân bánh cho ăn nào”. Vậy là anh em con lồm cồm bò dậy, anh Tư thì cứ nhắm tít mắt lại, miệng há ra như chú chim non chờ mẹ mớm mồi.
Một muỗng rồi 2 muỗng nhân Ba đút cho nhưng mắt vẫn nhắm nghiền mà miệng thì nhai nhóp nhép. Nhìn cảnh đó con không nín nổi cười. Đến giờ này lâu lâu vê nhà, Ba nhắc lại chuyện xưa, vẫn thấy buồn cười nhưng lại trực trào nước mắt vì sự ngây thơ của con. Làm bánh xong là bắc bếp để luộc, có khi Ba đào một cái hố ở sau vườn rồi chắn chung quanh bằng những tấm sắt thùng phuy để luộc vì bánh tét luộc rất lâu và sợ để trong nhà gió lớn quá dễ gây cháy. Tết chỉ vậy thôi, không dưa hành củ kiệu, không thịt kho tàu, không bánh mức, cành mai chỉ có vài cặp bánh tét và dăm cái bánh mật nhưng sao chúng con thấy vui quá.
Niềm vui đó chỉ là niềm vui của trẻ con hồn nhiên thôi, ánh mắt Ba Mẹ vẫn đong đầy những nỗi buồn. Tết nhà người ta anh em quây quần ăn uống, cha mẹ hỏi han chăm sóc các cháu. Nhưng nhà mình, Cha Mẹ không còn, anh em cũng chẳng hòa thuận để có thể ngồi ăn với nhau một bữa cơm cuối năm, cùng ôn lại những kỷ niệm một thời thơ ấu. Hỏi sao không buồn tủi?
Thêm dăm ba tuổi, cái tuổi không lớn nhưng đủ để hiểu thấu nỗi buồn của Cha Mẹ. Có khi tôi nhìn thấy mắt Ba đục ngầu, nhìn xa xăm buồn. Bao buồn tủi không theo dòng nước mắt tuôn ra cho vơi bớt mà lại chảy ngược vào trong. Mỗi ngày chất chứa thêm, nặng trĩu hơn chẳng thể lau khô hay lãng quên mà còn đau đáu hơn khi mỗi độ đông về xuân sang. Người người nói cười vui vẻ, Ba vẫn âm thầm lặng lẽ giấu kín nỗi lòng xót xa, buồn tủi. Ba ngày càng trở nên thâm trầm hơn. Tôi còn nhớ có lúc Ba buồn đã kể cho tôi rằng, ngày xưa khi mẹ sinh anh em tôi, ông ngoại đọc cho Ba 2 câu thơ này để đặt tên cho anh em tôi:
Phú tại sơn lâm hữu khách tầm
Bần cư trung thị vô nhân vấn.
Vậy là cái tên của mỗi anh em chúng tôi mang một ước vọng của Ba Mẹ. Ba Mẹ dạy anh em tôi cách đối nhân xử thể, học cách yêu thương để được yêu thương, học cách cho và nhận để sau nay không phải như Cha Mẹ, lặng thầm đếm bước thời gian mỗi độ xuân về. Anh em chúng tôi tự hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng Ba Mẹ. Ngày mùng một tết người ta xông đất bằng việc đi chùa, thăm Cha Mẹ họ hàng 2 bên thì Ba tôi lại xông đất bằng cách xách chổi ra vườn quét lá điều, phát cỏ. Ba bảo Ba làm việc quen rồi, giờ ngồi một chỗ mệt mà khó chịu lắm. Nhưng tôi hiểu hơn ai hết vì Ba sợ ở nhà sẽ buồn hơn, kiếm việc làm như vậy sẽ giết được thời gian, không phải suy nghĩ vẩn vơ. Nhưng có lẽ những tiếng chổi đều đều rê trong vườn cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong lòng Ba. Thật xót xa quá phải không !
Con còn nhớ ngày nhỏ, chính xác là bao nhiêu tuổi thì không rõ, chỉ nhớ là mình chưa đi học, Ba Mẹ bảo rằng cỏ gấu có thể chữa được bệnh. Vậy là tôi và anh Tư rủ nhau đi đào. Chẳng biết đào thế nào mà tôi bị một nhát cuốc bổ vào đâu, máu túa ra. Anh Tư sợ quá dắt tôi chạy nhanh về nhà để mẹ băng cho tôi. Cũng may tôi không bị sao, chỉ có một vết rách nhỏ. Ba Mẹ cũng không nỡ la mắng, và cũng nhờ có vậy, anh em tôi lại khắng khít nhau hơn.
Lớn lên hơn một chút, khi đã đủ lớn để hiểu rằng tết là cả một gánh nặng cho Ba Mẹ nên con lại đâm ra sợ tết. Sợ mái tóc Ba Mẹ sẽ bạc hơn sau mỗi cái tết, sợ những nếp nhăn và những quầng thâm năm tháng đang hằn lên trên khuôn mặt khắc khổ, sạm đen nắng gió của Ba Mẹ. Sợ đôi bàn tay chai sần, khô ráp, gân guốc hơn sau mỗi vụ mùa.
Và cái mà con sợ nhất vẫn là thời gian. Thời gian bước đi không chờ đợi ai, mới đó mà đã hơn 20 năm, đã hơn 20 cái tết trôi đi trong yên lặng, trong ánh mắt xa xăm buồn của Ba, trong cái lạnh man mác và tiếng rì rào của rừng cao su đang quyện mình vào gió tấu lên những khúc nhạc bất tận trong xa vắng.
Giờ đây, mái tranh đen màu khói bếp xưa không còn nữa, những cây cột gỗ ộp oạp rỗng ruột vì chi chít vết đục, vết cắt của mối mọt cũng không còn mà thay bằng những bức tường gạch không vôi vữa nhưng cũng đủ che nắng che mưa, không phải vá tạm bằng những tấm nilon mỗi khi mùa mưa về. Giờ chúng con đã lớn, đang tung cánh bay đến những chân trời mới, còn Ba Mẹ lại thui thủi ở nhà một mình, vò võ chờ mong những ngày lễ tết anh em con về như những cái tết trước Ba Mẹ vẫn chờ.
Lâu lâu con về thăm nhà được một ngày rồi lại vội vã đi ngay. Nhưng chỉ cần nghe tin con về, Ba Mẹ đã mừng lắm, nói như reo trong điện thoại. Mọi người có tin không, tôi đã gần bước qua tuổi 20 mà mỗi lần về nhà là lại xà vào lòng Ba Mẹ, Ba Mẹ lại xoa đầu, xoa tay xoa chân ru ngủ như ngày nào. Lại làm những món ăn mà con thích. Đêm đến Ba lại nằm kể chuyện cho con nghe, chuyện ngày xa xưa Ba đã phải sống như thế nào, và giờ con phải sống thế nào… cứ thế hai Cha con lúc nào cũng nói chuyện đến quá nửa đêm mới ngủ. Thật là kỳ quá phải không . Nhưng Ba thường bảo với con, cho dù con cái có lớn đến đâu thì trong mắt Ba Mẹ vẫn luôn nhỏ bé.
Mỗi lần về nhà nhìn Ba Mẹ sống thui thủi một mình tôi thấy xót xa quá, biết sao được bây giờ, công việc không cho phép tôi ở gần để Ba Mẹ đỡ buồn. Tôi chỉ mong sao Ba Mẹ luôn khỏe mạnh và công việc của tôi thật tốt để ngày nào đó tôi có thể trở về sống cùng Ba Mẹ, được vùi đầu vào vòng tay ấm áp yêu thương cho quên đi những muộn phiện, nhớ nhung. Để không phải trông thấy mắt mẹ rơm rớm mỗi lần con về rồi lại đi, không còn phải nghe tiếng thở dài đến nao lòng của Ba.
Năm hết, tết cũng sắp đến, con luôn cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Ba Mẹ, con luôn muốn nói rằng con nhớ Ba Mẹ nhiều lắm! Ba Mẹ ơi! Đúng là biển đông không mênh mông bằng tình mẹ, mây trời lồng lộng chẳng thể cao bằng tình Cha phải không các bạn ! Con xin tặng Ba Mẹ 2 câu thơ mà con tự làm:
Thu đi đông đến bao lần hayXao xác hàng cây luống tuổi gầy.QUAY VỀ THẤY LÒNG BÌNH YÊN - Phạm Thị Thanh TrúcNhà tôi vốn trồng bông vạn thọ.Mỗi lần về quê, chỉ thoáng thấy đám hoa còn nở vàng rộ trước sân là trong lòng bỗng bình yên lạ kỳ. Đó là vì dịp tết năm nay, mẹ vẫn còn khỏe mạnh lắm , còn sức khỏe đi lại để chăm bẫm cho đám cây trong vườn.Mẹ tôi yêu bông vạn thọ và loài hoa ấy trở nên thân thiết với gia đình tôi vào dịp xuân về. Mẹ trồng ngay ngắn , từng liếp, từng liếp bông gối đầu lên nhau tạo nên một âm khúc đầu xuân vui tươi sắc màu. Sau khi bán đi một ít cho thương lái, mẹ muốn giữ lại vài liếp bông cho vui nhà vui cửa, chứ Tết gì mà để “ vườn không” thì buồn lắm . Cứ độ chiều 29, 30 Tết là mẹ lại ra vườn chọn những đóa hoa đẹp nhất , to nhất để chưng lên bàn thờ ông bà.Mẹ không quên để dành những khóm vạn thọ để đi cúng đình đầu xuân. Khi còn trẻ con, tôi cũng thích như vậy, cứ thấy ai đi đâu là đòi theo cho bằng được mới thôi. Thế là, tôi ra vườn, nhặt nhạnh những bông không may gãy cành , về nhà tước hết từng cánh hoa ra, cho vào một cái rổ tre, đem theo lễ chùa cùng mẹ. Tôi mới lên năm, lên sáu. Hồi ấy, dân cư trong làng còn thưa thớt, đường làng ngày xuân vắng vẻ người qua lại. Thế là tôi mặc sức tung những cánh hoa vạn thọ lên cho chúng bay theo chiều gió , đọng trên tóc, vươn lại trên “bộ đồ vía” mẹ mới mua cho mà tha hồ tưởng tượng rằng con gái của mẹ đang là … cô dâu. Đến chùa rồi thì hoa trong rổ cũng đầy cả ở trên đầu. các bạn biết không , ham vui là thế nhưng tôi lại sợ vào đình chùa. Lần đầu tiên đến đình làng, nhìn thấy hai vị thần gác cổng mặt mày dữ tợn , lại cầm thêm cây đao nữa ,tôi phát hoảng mà khóc inh ỏi, lấy cái rổ đựng cánh hoa mà úp vào mặt , chạy ngược đường làng. Lúc ấy, mẹ tôi cũng bối rối, không biết làm sao tôi lại đổi tính đổi nết như thế, mà mới trước đó còn líu lo như con chim sáo.“ Mẹ ơi, hai ông kia dữ quá hà, con sợ!”Thế là mẹ ra sức vỗ về, bế tôi vào lòng, úp cái nón là che mặt tôi lại : “Thôi, thôi con đừng khóc nữa , để mẹ ẵm con vào, hai ông thần kia sẽ không làmgì được con đâu !”
Tôi lại mếu máo , nấc nghẹn : “ Nhanh nhanh mẹ ơi, hai ông đó đuổi kịp mẹ con mình bây giờ”.Và khi vào đình rồi, lại còn vô số ông thần “ hung dữ” khác nữa. Tôi khóc ré lên. Cuối cùng ,mẹ phải ẵm tôi ra, nhờ các cô các cậu hàng xóm trông giúp. Lớn rồi, đứng trước đình ,cái ngây ngô, non nớt hồi đó lại ùa về. Lần nào về quê, qua cổng đình, lại mỉm cười với hai ông thần ấy, vuốt nhẹ hai bức tượng mong sao năm mới có thể như hai ông ,vẫn vững vàng qua mưa gió hơn chục năm nay.
Ngày xuân quê tôi không ồn ào náo nhiệt như những nơi khác, ít thấy những trò vui thú, không có những tụ điểm vui chơi xập xình tiếng nhạc xuân. Ấy vậy mà xuân quê hương vẫn thôi thúc tôi trở về. Tôi thích đi dạo lòng vòng quanh làng. Tết trong tôi mãi là màu sắc trước hiên nhà của những đóa vạn thọ , màu vàng của sự trường tồn .
Rồi muốn lướt mình trên cánh đồng lúa chín đang thời gặt hái, ngả mình vào những ụ rơm trước nhà, vọc tay vào những hạt lúa vàng đầy trong bồ, vàng bừng lên sự trù phú ấm êm. Đâu đó, vài thửa ruộng đã gặt hết rồi, còn trơ gốc rạ vàng khô nắng cháy đang tắm nước nâu sồng chờ cho vụ lúa sau. Lại nhớ quá cái thuở dầm mình dưới cánh đồng đầy bùn đất, ngai ngái mùi khói đốt đồng chiều. Mỗi khi về làng, ngang qua khóm trúc, khóm tre đang vươn dài, thân mặc chiếc áo vàng ngà dang rộng cành lá ấp ôm lấy ngôi làng mà tự nhiên lại nhớ đến …mình. Cũng chính vì thương cái vững chãi, lòng bao dung của cây tre, cây trúc mà mẹ đã chọn đặt tên cho mình.. Tre trúc ơi, sang năm mới tao lại cùng mày đứng vững nhé. Nắng đầu xuân phơn phớt vàng nhuộm đầy sức sống cho cả một vùng quê, cho mơn mởn chồi non lộc biếc. Cái màu vàng thanh bình ấm áp, nhẹ nhàng sâu lắng, không ồn ào mà sao lại làm đất trời mùa xuân thêm rộn rã.Mùa xuân về quê để tìm lại sự yên bình, tìm lại hoài niệm tuổi thơ. Thoáng nhìn thấy ngọn cau lá trầu, những mái đình cong vút lại thấy đâu đâu cũng nhuốm màu cổ tích. Quê tôi là như vậy đó, không ồn ào, tưng bừng như chốn thị thành. Một khoảng không gian trải rộng ra trước mắt, vẫn là con đò, bến nước, dòng sông , nhịp cầu…, mươi năm qua không mấy đổi thay, thâm trầm, tĩnh lặng vượt bao mưa gió của cuộc đời. Sao mà quê tôi giống một ông đồ già ngồi trầm tư suy nghĩ. Chỉ cần vài ba nét bút trên tấm giấy hồng điều là đã thấy ngay mùa xuân trong câu đối đỏ. Thiên nhiên quê tôi, chỉ cần vài nét chấm phá trong cảnh vật , trong sinh hoạt đời thường cũng đủ có một mùa xuân an lành, hạnh phúc.
Có về quê sau những ngày bôn ba xuôi ngược chốn thành đô mới thấy, đã là ông nông dân chính gốc ở ruộng đồng thì chẳng ai muốn rời xa quê mình để lúc nào ra đường cũng phải đeo khẩu trang tránh bụi khói đen xì, lúc nào cũng phải xoay như chong chóng, tìm “ đỏ con mắt” cũng không ra được một nơi tĩnh lặng để nghỉ ngơi.
Mà vì cuộc sống cả thôi, người ta có những lí do chính đáng để phải tạm xa rời cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình, trong những “ người ta” ấy lại có tôi. Lại thấy lòng nôn nao rồi, muốn trở về , mong được nhìn thấy khóm hoa vạn thọ từ đầu ngõ để rất hạnh phúc rằng mẹ vẫn còn mạnh khỏe như tên gọi của loài hoa kia.Quay về và thấy lòng bình yên !TẾT MIỀN TRUNG - Đặng Ngọc TânCứ mỗi lần dịp cuối năm, gió Đông bắc lại thổi về mang đến cái se se lạnh cũng là lúc lòng bồi hồi, rạo rực đón chờ năm mới. Cũng như bao người khác ai cũng có chung một tâm trạng háo hức đón Xuân, thế nhưng năm nay lòng lại thấy nặng trĩu quá. Quê tôi – dãy đất miền Trung èo uột suốt một năm qua gánh biết bao trận bão, bao nhiêu mất mát , đau thương, vậy thì làm sao không nặng trĩu cả lòng mình cơ chứ? Bão rồi lũ tất cả như muốn nhấn chìm cả sự sống đồng bào quê tôi, tưởng chừng họ khuỵu ngả nhưng không vẫn những con người ấy họ vẫn bước đi vững chải, vươn dậy sau khó khăn. Tết cũng đến xuân lại về, thế nhưng mất mát quá lớn như vậy thì làm sao bà con mình có thể thanh thản vui Xuân cơ chứ?.Nhớ năm nào, được về quê đón Tết - một kỉ niệm khó quên. Tết trong quê khác hẳn với không khí rộn ràng của thành phố không ồn áo, không hối hả, nhưng khoác lên một nét đẹp thật đặc trưng. Ở thành phố, trước Tết còn nô nức đi tìm một chậu cảnh thật đẹp trưng trong nhà nhưng ở đây thì ăn còn không đủ lấy tiền đâu mua hoa, vậy là lũ nhỏ cứ đi dọc đường hái bông hoa nào đẹp nhất rồi cứ thế cắm vào bình mà chính xác là chai nhựa để trưng cho qua ba ngày Tết. Rượu bia cũng không hề có mà chỉ đơn giản là ấm nước trà hay nhà nào sang hơn một chút thì mời khách dùng rượu gạo. Bánh kẹo cũng không có mỗi nhà chỉ có cái khay đựng vài hạt dưa đen, rồi vài miếng mứt gừng cũng vàng đen nhưng cay nồng như chính mảnh đất này vậy, thế cũng là quá đủ cho ra cái khí thế của Tết. Cái gọi là tiền mừng tuổi cũng chỉ là 500đ – 1000đ thế nhưng khi nhận được lũ trẻ lại mừng rơn. Tết trong quê là thế đấy, không khí ấy sao thật đối lập với thành phố, càng nghĩ càng thấy thương cho bà con quê mình quá, vất vả làm lụng thế nhưng có hưởng được một cái Tết nào cho đúng nghĩa đâu.
Không biết Tết năm nay, bà con mình sẽ ra sao, ăn Tết thế nào? Một năm cũ đi qua với biết bao mất mát, năm nay chỉ mong rằng thiên tai đừng ghé thăm nữa để bà con mình có cơ hội hưởng một cái Tết thật sung túc! Cầu mong là vậy!TIẾNG LÒNG NGƯỜI XA QUÊGiáng Sinh vừa qua được vài ngày, không khí náo nhiệt cũng tạm lùi dần cho một tuần mới bắt đầu. Ngày xưa khi còn ở nhà, tôi cứ nghĩ chắc là mọi người ở xứ Mỹ được nghỉ làm từ Giáng Sinh đến Tết Tây, nhưng thực tế thì không, sau ngày Giáng Sinh mọi thứ trở lại bình thường, công sở nhà máy hoạt động trở lại cho dù không khí làm việc cũng còn hơi ... dậm chân tại chỗ.Vì hoàn cảnh công việc chưa bao giờ tôi có thể về VN vào mùa Tết Âm Lịch, nỗi nhớ nhà cứ như tăng dần theo ngày tháng để mỗi lần nghĩ đến cái Tết Việt xa nhà, tôi thấy lòng như vết thương dù đã lành nhưng vẫn nhói đau mỗi khi trái gió trở trời.Nơi tôi ở không tập trung người Việt nhiều như những tiểu bang California hay Texas, nơi tôi ở những ngày này luôn phủ một màu trắng của tuyết. Duy một điều là nỗi nhớ nhà trong tôi những ngày Tết cổ truyền không nhiều bằng những ngày trước Giáng Sinh. Phong tục ở xứ này là mọi người tặng quà cho nhau vào lễ Giáng Sinh như một tấm lòng dành cho nhau những ngày cuối năm cùng với lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới. Mọi người rủ nhau đi mua sắm, lên danh sách những người thân cùng với những món quà được âm thầm lặng lẽ tìm hiểu trong suốt một năm. Nhìn cảnh tấp nập người người đi sắm quà Giáng Sinh, tôi nhớ đến những ngày cận Tết của Sài Gòn, nhộn nhịp không thua gì xứ này những ngày cận Noel. Thương người Việt Nam mình lắm, cả năm làm cực khổ, cái gì cũng "để dành sắm Tết... " hay "Ráng làm để xài Tết..." Năm nào dù khó khăn thế nào, ai cũng ráng sắm cho mình một cặp bánh chưng, quả dưa hấu, cành mai... Bấy nhiêu thôi, nhìn vào ta sẽ thấy không khí Tết rộn ràng...
Tôi nhớ những lần chờ xe dưa hấu từ miền Tây chở lên nữa đêm để ráng lựa cho nhà một cặp dưa thật đẹp, gõ vào trái dưa nghe tiếng boong boong là an tâm, nhưng vẫn cầu mong cho trái dưa ngày mùng một bổ ra thật đỏ và ngọt... Tôi nhớ những lần lặn lội đi vô các nhà vườn để tìm mua một cây mai thật đẹp để sáng mùng một khi sắc vàng nở đầy cành thì lòng ta cũng rộn ràng lên với chữ Tết... Tôi nhớ những buổi chiều cùng anh trai ngồi chùi những bộ lư đồng, tôi nhớ những phiên chợ đêm những ngày 28, 29 Tết theo Me đi mua những thứ cần thiết cho ba ngày Tết... Nhớ cả những chiều 30 Tết, ai cũng nôn nao ráng bán cho hết những món hàng Tết để kịp về nhà chuẩn bị đón giao thừa. Và tôi cũng không quên những lần chơi bầu cua tôm cá đầu năm, tiếng lắc bầu cua nghe sao vui tai quá, âm sắc ngày Tết nghe sao rộn rã quá...
Bao nhiêu năm rồi, vậy mà nỗi nhớ sao cứ còn nguyên vẹn, như ta mới năm nào còn ở nhà đón Tết với Ba với Me... Như cái thuở chờ đợi Tết đến để được mặc đồ mới, để được nhận lì xì và cũng để tạm quên đi bài vở vài ngày, ôi sao mà hạnh phúc quá....
Vậy đó, dù đi đâu, làm gì, ở đâu, những người con Việt vẫn luôn nhớ về Tết Việt. Cứ theo thường lệ, hàng năm vào thời điểm Tết cổ truyền VN là con chôn mình trong công việc. Những con số và những hồ sơ thuế của dân Mỹ vẫn không làm con quên là con vẫn còn mắc nợ Ba Me một lời hứa. Lại thêm một năm nữa con thất hứa với Ba Me,
Tết này con không về...